Đồng Bitcoin vừa liên tiếp lập những kỉ lục mới về mức giá trong thời gian gần đây. Ảnh: AFP.
Bitcoin liên tục leo dốc tăng mạnh vượt ngưỡng 50.000 USD. Trong khi nhiều nhà đầu tư đang hy vọng Bitcoin có thể thay thế kim loại quý như một kênh lưu trữ trong danh mục đầu tư, JPMorgan cảnh báo sức tăng của Bitcoin không bền vững.
Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số phố biến nhất thế giới - đã có lúc đạt kỷ lục 52.531 USD/bitcoin vào thứ năm 18.2 (theo giờ Việt Nam) sau khi phá vỡ mốc 50.000 USD/bitcoin lần đầu tiên chỉ hơn một ngày trước đó.
Theo hãng tin CNBC, một số nhà quản lý tài chính cho rằng giá các đồng tiền ảo Bitcoin có thể lên đến 1 triệu USD trong tương lai dài hạn, nhưng những tổ chức như JPMorgan lại cảnh báo về những rủi ro nếu đồng tiền số này tiếp tục tăng giá.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan trong ngày 17.2 đã đưa ra nhận định mức tăng kỷ lục lên ngưỡng 50.000 USD/bitcoin của đồng Bitcoin sẽ không bền vững, trừ khi những đợt dao động giá chóng mặt của đồng tiền kỹ thuật số này nhanh chóng “hạ nhiệt”. Mức biến động cao liên tục gần đây của Bitcoin vẫn là một vấn đề đối với tài sản kỹ thuật số này, và nó còn liên tục tăng lên kể từ khi có những thông tin từ Tesla.
Theo những nhà phân tích của JPMorgan, Bitcoin dễ mất giá hơn nhiều so với vàng, trong khi nhiều nhà đầu tư đam mê tiền kỹ thuật số đang hy vọng Bitcoin có thể thay thế kim loại quý này như một kênh lưu trữ giá trị trong danh mục đầu tư.
Theo ý kiến của ngân hàng này, trừ khi sự biến động của Bitcoin suy giảm nhanh chóng, mức giá hiện tại của nó không bền vững.
Trong vài tháng qua, giá đồng Bitcoin đã phá nhiều kỷ lục và mới đây đã vượt ngưỡng 50.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: Coindesk.
Ngoài ra, việc nhiều nền tảng thanh toán chấp nhận Bitcoin cũng khiến các nhà đầu cơ tin tưởng hơn vào viễn cảnh của đồng tiền ảo này. Khi không lâu trước đây hãng Square đã tuyên bố mua một số đồng Bitcoin trong khi tỷ phú Elon Musk của Tesla cũng cho biết đã mua khoảng 1,5 tỉ USD đồng tiền ảo này.
Bên cạnh đó, việc hàng loạt ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, ví dụ như hạ lãi suất, mua lại trái phiếu, thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE)... nhằm chống lại cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 cũng khiến đồng Bitcoin trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán...
Ngoài ra, JPMorgan nhận định nguồn cung hạn chế của Bitcoin, vốn dựa trên số đồng tiền mới mà các "thợ đào" sản xuất được, đã dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư tính phí bảo hiểm khi đưa số Bitcoin do họ nắm giữ ra thị trường.
Ngân hàng này nói thêm rằng dòng tiền từ nhóm đầu tư bán lẻ cũng có thể đã tăng cường dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức. Đáng chú ý là trong khi tổng tỷ giá tiền ảo thị trường của Bitcoin tăng vọt thêm tới 700 tỉ USD, các nhà đầu tư tổ chức chỉ rót 11 tỉ USD vào các quỹ tín thác lớn và các sàn giao dịch hợp đồng kỳ hạn.
JPMorgan cảnh báo để duy trì mức giá hiện tại, dòng tiền từ nhóm đầu tư tổ chức sẽ phải tăng trong trường hợp dòng tiền từ nhóm đầu tư bán lẻ không thể tái tăng tốc.