Nếu trong phiên sáng, chỉ số VN-Index chỉ biến động lình xình trên vùng giá 1.090 điểm do lực cầu khá yếu bởi tâm lý thận trọng, canh chừng chốt lời hoặc cắt lỗ sau đợt giảm khá sâu trong tuần trước, thì bước sang phiên chiều, "dòng tiền tham lam" đã được kích hoạt, lực cầu từ nhóm bluechip đã lan rộng sang các nhóm vừa và nhỏ, kéo thị trường tăng vọt.
Hàng trăm mã trên sàn giao dịch khởi sắc, trong đó cánh đồng tím cũng được mở rộng, đã giúp chỉ số VN-Index dành lại mốc 1.110 điểm với mức tăng hơn 35 điểm.
Tác động của tin về dịch Covid đã không còn gây sốc với giới đầu tư, thông tin về một vài ngân hàng lớn đã và chuẩn bị hạ lãi suất tiền gửi, kinh tế quý I khởi sắc, nhiều doanh nghiệp tiếp tục báo lãi,... tạo niềm tin cho dòng tiền trực chờ quay lại thị trường. Dòng tiền đang muốn nói một điều rằng, nếu Vn-Index test đỉnh thì sẽ test đỉnh 1.200 điểm chứ không chỉ là vài ngưỡng kháng cự giữa đường...
Đóng cửa, sàn HOSE có 414 mã tăng (67 mã tăng trần) và 56 mã giảm, VN-Index tăng 35,76 điểm (+3,32%), lên 1.111,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 703,17 triệu đơn vị, giá trị 15.886,95 tỷ đồng, tăng 16,69% về khối lượng và 20,72% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 67,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.560 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 chỉ có duy nhất MWG giảm nhẹ chưa tới 0,5%, còn lại đều tăng, trong đó các mã BVH, POW, SBT, SSI, TCH và VPB tăng trần.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng tăng tốt như BID tăng 5,1% lên 41.350 đồng/CP, GAS tăng 4,6% lên 80.000 đồng/CP, HPG tăng 3,7% lên 42.000 đồng/CP, MSN tăng 5,8% lên 88.900 đồng/CP, VHM tăng 3% lên 97.200 đồng/CP, VNM tăng 3,1% lên 109.700 đồng/CP, VRE tăng 3,6% lên 33.100 đồng/CP…
Bên cạnh nhóm bluechip đua nhau khởi sắc, nhiều mã vừa và nhỏ cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, với các mã ITA, HQC, DXG, PVD, KBC, IJC, DLG, ASM… cũng đua trần và hầu hết đều trong trạng thái trắng bên bán.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu ROS tạo khá nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư giữ hàng. Nếu trong 4 phiên liên tiếp vừa qua, nhiều nhà đầu tư bị kẹp do vắng bóng lực cầu với khối lượng dư bán sàn lên đến hàng chục triệu đơn vị, thì trong phiên hôm nay, lượng dư bán sàn dường như đã được hấp thụ hết giúp ROS có thời điểm được kéo lên mức giá tham chiếu.
Dường như trong suốt cả phiên, lực bán ở mức giá sàn được tung ra đều được hấp thụ hết khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lại có một đợt sóng mới sẽ đến với ROS. Tuy nhiên, việc loanh quanh ở mức giá sàn mà không thể bật lên được khiến lực bán lại được đẩy lên cao khiến ROS kết phiên còn dư bán sàn hơn 1,2 triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 83 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu FLC đã hồi phục thành công và có thời điểm được kéo lên khá cao. Kết phiên, FLC tăng nhẹ 0,65% lên 6.200 đồng/Cp và khớp 18,65 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu cũng tăng mạnh trong phiên chiều giúp thị trường tiếp tục nới rộng biên độ tăng.
Kết phiên, sàn HNX có 122 mã tăng (45 mã tăng trần) và 29 mã giảm, HNX-Index tăng 8,26 điểm (+3,84%), lên 223,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 134 triệu đơn vị, giá trị 1.838 tỷ đồng, tăng 28,6% về lượng và 32,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16,95 triệu đơn vị, giá trị 224,45 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng SHB vẫn duy trì đà tăng tốt với mức tăng 5,4% lên 15.500 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 26,16 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán cả trên HOSE và HNX đua nhau tăng trần với các mã SSI, MBS, CTS, VCI, BSI, APS, TVS, HBS, BVS, VND, VIX, VDS…; các mã khác như HCM, IVS, HAC, VIG, SHS, AAS, ART cũng tăng sát trần.
Ở nhóm dầu khí, PVS, PVB, PVC cũng đều trong trong thái dư mua trần. Trong đó, PVS đứng thứ 2 về thanh khoản, chỉ sau SHB, với khối lượng khớp 11,74 triệu đơn vị.
Trong nhóm HNX30 chỉ có duy nhất SJE giảm 5,3% xuống 17.900 đồng/CP và 2 mã là NBC cùng DHT đứng giá, còn lại đều khởi sắc.
Trên UPCoM, hàng loạt mã lớn bé tăng trần cũng đã kéo thị trường lên cao trong phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,64 điểm (+2,29%), lên 73,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,86 triệu đơn vị, giá trị 818 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 15,65 triệu đơn vị, giá trị 232,49 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như BSR tăng 14% lên mức giá trần 10.600 đồng/CP, OIL tăng 12,8% lên 10.600 đồng/CP, VGT tăng 14,9% lên trần 16.200 đồng/CP, MSR tăng 11,4% lên 19.600 đồng/CP, VGI tăng 10,6% lên 39.500 đồng/CP, ACV tăng 4,2% lên 71.800 đồng/CP…
Trong đó, BSR duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản với 10,95 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần 37.100 đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh, với VN30F2101 tăng 3% lên 1.124,9 điểm, tổng khối khớp lệnh đạt hơn 211.520 đơn vị, khối lượng mở gần 34.320 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng lấn át, trong đó, CVNM2010 nổi bật với thanh khoản cao nhất khi có gần 1,75 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 13,1% lên 2.420 đồng/cq. Tiếp theo là CTCH2002 tăng 45,5% lên 640 đồng/CQ và khớp hơn 1,23 triệu đơn vị.