top of page

Đường Và Phố Khác Nhau Thế Nào? Quy Định Về Việc Đặt Tên Đường, Phố

Mặc dù Hà Nội có tới mấy chục phố gắn với chữ Hàng và không ít tên gọi bắt đầu bằng phố khác nhưng Hà Nội cũng có rất nhiều đường đấy: Đường Yên Phụ, Đường Láng, Đường Đại La hay Đường Nam Bộ năm xưa đã quá quen thuộc với người dân cả nước. Đường và phố là tên gọi chỉ “đơn vị địa giới hành chính, được phân chia theo các tuyến phố, đã quy hoạch, đủ tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị”. Nhưng từ lâu rồi, ta thấy ở Hà Nội, phố và đường vẫn nằm xen kẽ nhau. Trên đường gặp phố và trên phố có đường. Trong số hơn 600 tuyến phố hiện nay, tương quan giữa phố và đường là “ngang ngửa”. Tuy nhiên, tên gọi phố chủ yếu thuộc về các khu phố cổ, khu phố cũ, các điểm buôn bán sầm uất... Còn các tuyến phố mới xuất hiện thường được đặt là đường (tuy không phải tuyệt đối).


Hà Nội đã có sự thống nhất quan niệm trên sự phối hợp ý kiến của các cơ quan hữu trách (Sở Giao thông Công chính, Sở Địa chính, Sở Văn hoá - Thông tin ….). Ngay từ ngày 26.8.1998, UBND TP Hà Nội đã có một Bản quy ước về việc đặt tên đường, phố, ngõ của TP Hà Nội. Cơ sở làm căn cứ phân biệt là dựa vào quy mô, vị trí, tính chất của từng trường hợp. Cụ thể là:


Đặt là đường: Đối với những đường có quy mô lớn về độ dài, chiều rộng, nằm trên các tuyến vành đai, đường liên tỉnh, đường trục chính trên địa bàn thành phố.


Đặt là phố: Đối với những đường có quy mô nhỏ và hai bên có những công trình kiến trúc liên tiếp (nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở cơ quan,…)



Tuy nhiên, rất nhiều tuyến đường qua thời gian đã bị “phố hoá” (như Đường Trường Chinh, Đường Láng, Đường Nguyễn Trãi, Đường Cầu Giấy,…) thì tên cũ của nó vẫn không đổi. Cũng như vậy, có nhiều đường mới đặt, lúc đầu còn thưa thớt các công trình kiến trúc, song chẳng bao lâu thì nhà cửa các loại san sát mọc lên, và phố kia vẫn cứ giữ tên đường. Lúc đó, sự phân biệt để đặt tên ban đầu quả là không còn phù hợp nữa. Người này gọi Đường Nguyễn Du, người khác lại ghi Phố Nguyễn Du. Chính vì vậy mà trên báo Hà Nội Mới, tác giả Nguyễn Kim Hoạt đã đề nghị một giải pháp “trung hoà” là dùng cả cụm từ đường phố để đặt (Thí dụ: Nên gọi là Đường phố Hai Bà Trưng, Đường phố Mai Hắc Đế, Đường phố Lê Duẩn,…)


Việc tranh luận về phố và đường chắc là còn nhiều vấn đề phải bàn tiếp. Tên gọi này cũng phản ánh những đặc thù lịch sử, văn hoá của Hà Nội có từ xa xưa. Đó là một nét độc đáo riêng biệt của Thủ đô ngàn tuổi. Chả thế mà đi khắp bốn phương trời, ta vẫn nhận ra đặc thù không thể trộn lẫn này, qua tranh Phố Phái, qua nét đẹp Phố Cổ Hà Thành, và qua ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang.



Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2005/NĐ-CP thì tên đường, phố được đặt tên trên cơ sở lựa chọn một trong các tên sau đây: 


Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt.


Ví dụ: Đường Thăng Long (Thăng Long là tên của thủ đô Hà Nội ngày xưa)


- Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội


Ví dụ: Đường Thống Nhất, đường Độc Lập (Thống Nhất, Độc Lập là những danh từ có ý nghĩa về chính trị đối với nước ta)


Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá.


Ví dụ: Đường Cố Loa


Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương.



Ví dụ: Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa


Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận.


Ví dụ: Đường Lê Hồng Phong, đường Phạm Văn Đồng, đường Yersin,...


Đa phần ở nước ta, tên các con đường sẽ được đặt theo tên của danh nhân cả trong nước và ngoài nước. Vì đây là những người có sức ảnh hưởng khá lớn đối với nước ta và đặt tên như vậy giúp mọi người dễ nhớ hơn khi đi đường. Tóm lại, việc đặt tên đường, tên phố cũng phải tuân theo quy định của pháp luật chứ không được đặt tùy tiện như thế nào cũng được. 























4.000 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page