Cảnh giác trò lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại"
Thời gian gần đây, nhiều người dùng phản ánh rằng họ đã nhận phải những cuộc điện thoại lừa đảo, giả mạo nhân viên của nhà mạng và đe dọa sẽ khóa thuê bao di động.
Trước tình trạng các cuộc gọi lừa đảo gia tăng, nhiều ý kiến kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi.
Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý triệt để vấn nạn này, đặc biệt là truy trách nhiệm của nhà mạng để sim rác hoành hành.
"Tuần trước, tôi có nhận được một cuộc điện thoại và đầu dây bên kia nói rằng số điện thoại của tôi đã phát tán tin nhắn lừa đảo. Họ còn đe dọa sẽ khóa thuê bao của tôi nếu không cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân để xác minh", chị Lê Lan, một nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ.
Nhớ đến những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại trước đây, chị Lan kiểm tra lại thì thấy số gọi đến là một số điện thoại thông thường, không phải số của tổng đài. Chị bắt đầu nghi ngờ nên không làm theo yêu cầu cung cấp thông tin. Ngay sau đó, chị Lan liên hệ với tổng đài của nhà mạng và biết được thuê bao di động của mình hoạt động hoàn toàn bình thường và không hề bị khóa.
Trên các hội nhóm Facebook, nhiều người cũng cho biết rằng họ đã gặp phải những cuộc gọi lừa đảo tương tự.
"Hôm đó, khi tôi nghe máy, có một giọng nói giống với giọng của tổng đài và yêu cầu tôi bấm phím 1 để gặp tổng đài viên. Tôi làm theo hướng dẫn và nhận được thông báo rằng thuê bao của tôi sẽ bị khóa trong 2h nữa vì đã sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn rác", tài khoản Bảo Nguyên cho biết trong một hội nhóm trên Facebook.
Lấy lý do hỗ trợ kỹ thuật, đầu dây bên kia yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số CMND...
Có thể thấy, đây là hình thức mới của các đối tượng lừa đảo, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Trên thực tế, những chiêu trò lừa đảo với mục đích đánh cắp thông tin cá nhân này không hề mới. Từ đầu năm 2021, các đối tượng lừa đảo đã giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng" hoặc "đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng". Từ đó, kẻ gian sẽ đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để xác minh rồi chiếm đoạt.
Theo Công an TPHCM, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này có đặc điểm chung là sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) giả số điện thoại công khai của các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát.
Ngoài ra, các đối tượng này còn giả danh nhân viên các cơ quan tư pháp để gọi vào điện thoại bàn, điện thoại di động của người dân nói có liên quan đến vụ án, chuyên án đang điều tra với mục đích hù dọa làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng tội phạm yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra.
Phạm Khánh (Hà Nội) suýt khai hết thông tin cá nhân sau khi bị một người xưng là nhân viên nhà mạng gọi điện thông báo khóa thuê bao.
Khánh cho biết cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến và nói "thuê bao của bạn sẽ tạm dừng sau hai giờ nữa, để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 0".
"Thấy giọng nói trong điện thoại giống hệt các thông báo của tổng đài, tôi tưởng thật nên làm theo", Khánh kể. Anh được kết nối tới một người tự xưng là nhân viên nhà mạng, nói với giọng điệu đe dọa. Nhớ đến các chiêu lừa qua điện thoại trước đây, đồng thời số gọi đến là một đầu số nước ngoài, anh bắt đầu nghi ngờ là lừa đảo nên không làm theo. Khi gọi tới tổng đài nhà mạng, anh mới biết thuê bao của mình hoàn toàn bình thường và không hề bị khóa.
Tương tự, Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết cô suýt trở thành nạn nhân của chiêu lừa. "Họ nói phát hiện thuê bao của tôi phát tán tin nhắn lừa đảo hàng loạt, vì vậy sẽ khóa sau sau hai giờ". Hà kể.
Dù giải thích mình không hề làm chuyện đó, đầu bên kia khẳng định họ có bằng chứng và tiếp tục dọa khóa thuê bao. Lấy lý do hỗ trợ khách hàng, người này đề nghị Hà gọi tới số "của đại diện cơ quan pháp luật". Lo lắng vì đây là số điện thoại quan trọng và phải sử dụng thường xuyên, cô làm theo.
Ở cuộc gọi thứ hai, đầu dây bên kia xưng là công an, yêu cầu cô xác minh danh tính bằng cách khai báo đầy đủ thông tin cá nhân như tên tuổi, số căn cước công dân, ngày cấp... để kiểm tra trên hệ thống. "Thấy tôi đọc thông tin cá nhân qua điện thoại, đồng nghiệp ngồi bên cạnh tỏ ý nghi ngờ và đề nghị tôi tắt máy. Đến lúc đó tôi vẫn không nghĩ mình bị lừa", Hà nói. Chỉ đến khi nhờ tra số, cô mới biết đó không phải số của cơ quan pháp luật nào cả. Hai giờ sau, điện thoại của Hà vẫn hoạt động bình thường chứ không bị ngừng hoạt động như lời đe dọa.
Ngô Minh Hiếu, kỹ sư bảo mật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC), đánh giá đây thực chất là chiêu lừa đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
"Sau những lời dọa như vậy, nhiều người nhẹ dạ sẽ vô tình cung cấp thông tin cá nhân. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ dữ liệu cá nhân cho tới tài sản có thể bị đánh cắp", chuyên gia này nhận định.
Ông Hiếu cũng cho biết, các chiêu này thực tế đã có từ lâu, nhưng liên tục được thay đổi kịch bản khiến người dùng không lường trước. Ví dụ trước đó, kịch bản phổ biến là "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng", hay "đang bị điều tra vì liên quan đến vụ án nghiêm trọng". Thời gian gần đây, một số kẻ xấu dùng chiêu dọa khóa thuê bao, vì thuê bao điện thoại hiện nay cũng là một trong những tài sản quan trọng của người dùng. Các cuộc gọi thường được thực hiện bởi một đầu số từ nước ngoài, thay vì +84 của Việt Nam.
Đại diện một nhà mạng khẳng định các sự việc như trên thực chất là mạo danh, bởi đó không phải là cách làm của nhà mạng. Các thuê bao đã đăng ký đầy đủ thông tin, nộp cước đúng quy định sẽ không có chuyện bị khóa hai chiều. Trước đây, nhiều người cũng từng mạo danh nhà mạng và dùng chiêu "đổi sim 4G" để dụ người dùng cung cấp thông tin hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp, nhằm chiếm số thuê bao của họ.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu khuyến cáo người dùng không nên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác, đồng thời không nên làm theo yêu cầu của người lạ như: tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng... nhằm tránh bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 9/2021, các nhà mạng tại Việt Nam đã ngăn chặn hàng chục triệu cuộc gọi giả mạo. Mỗi tháng, số lượng cuộc gọi được phát hiện giả mạo lên tới hàng triệu.
Cơ quan này lưu ý mã điện thoại của Việt Nam là 84, vì vậy nếu người dùng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số điện thoại có đầu là dấu "+" hoặc "00", nhưng hai số tiếp theo không phải "84" thì có thể là số quốc tế. Người dùng chỉ nên gọi lại hoặc làm theo khi biết chắc chắn đó là số của người thân ở nước ngoài.
Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên rất bức xúc trước tình trạng này vì nó diễn ra “như cơm bữa, nhưng có vẻ lực lượng chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn”.
“Vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo được phản ánh liên tục trong thời gian qua, nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đó. Người dân thì bị làm phiền bất kể giờ giấc, nhiều người nhẹ dạ còn bị dính quả lừa mà không biết kêu ai. Chẳng lẽ các cơ quan chức năng không thể dẹp được tình trạng này mà cứ để bọn chúng lộng hành, gây bất an xã hội từ năm này qua năm khác?”, BĐ Trúc Phương bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Duyet Hoang ý kiến: “Không hiểu các cơ quan chức năng, nhà mạng vào cuộc ra sao mà càng ngày càng có nhiều cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn rác?”.
Còn BĐ Xuan Canh viết: “Nếu chúng ta chỉ làm theo kiểu cho có và làm theo kiểu chiến dịch thì chẳng bao giờ xử lý được vấn nạn này. Luật đã có nhưng đã có trường hợp nào xử nghiêm chưa?”.
Ngoài đề nghị lực lượng công an vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn nạn này, BĐ Xuan Thang cũng khuyến cáo: “Người dân khi nghe những cuộc gọi xưng danh công an, tòa án, viện kiểm sát, bưu điện, nhà mạng... thì hãy bình tĩnh đối thoại vui vẻ nhẹ nhàng, không thì tắt máy luôn. Tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các cuộc gọi”.
Nhà mạng không thể vô can
Nhiều ý kiến cho rằng vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hoành hành như hiện nay thì trách nhiệm của nhà mạng là không nhỏ. “Việc để sim rác tiếp tục hoạt động là trách nhiệm của các nhà mạng điện thoại. Bởi từ lâu, các nhà mạng buộc người sử dụng phải đăng ký thông tin đầy đủ, thế mà bây giờ sim rác vẫn tràn lan. Không dẹp được vấn nạn này thì còn nhiều người bị lừa đảo”, BĐ Nguyen Dien thẳng thắn.
Tương tự, BĐ Hữu Tài viết: “Cần mạnh tay với nhà mạng để sim rác hoành hành; bán sim vô tội vạ không chính chủ. Nếu số điện thoại nào lừa đảo mà không truy được người sở hữu thì nên quy trách nhiệm cho nhà mạng, buộc nhà mạng bồi thường”.
“Lực lượng công an cần vào cuộc quyết liệt xử lý dứt điểm vấn nạn này, không thể để những đối tượng lừa đảo này hoạt động công khai, lộng hành như vậy được. Các nhà mạng cũng không thể vô can trong vấn đề này”, BĐ Mỹ Anh nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ có thể chúng ta làm chưa triệt để nên bọn chúng mới lộng hành. Các cơ quan pháp luật phải xử lý thật nghiêm khắc đối với những tội phạm công nghệ. Với các nhà mạng thì cần chế tài mạnh hơn để họ nghiêm túc thực hiện việc chặn cuộc gọi rác, xử lý sim rác. Nếu nhà mạng nào không làm được thì đình chỉ hoạt động. Chỉ có làm thật nghiêm thì mới dẹp được vấn nạn này”, BĐ Trọng Trường ý kiến.
Số này 0978973864 - 097 8973864 dọa khóa thuê bao điện thoại
Tôi mới nhận được cuộc gọi doa khóa thuê bao điện thoại từ 2 số này 081 7185782 - 0817185782 và số 092 8627495 - 0928627495