Du lịch Phú Yên 1 ngày - 5 địa điểm hấp dẫn
Phú Yên là một tỉnh nằm ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, có biên giới với Biển Đông. Tỉnh này nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bãi biển dài, vịnh xanh mướt và nhiều di sản văn hóa lịch sử đa dạng. Đây là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá, thư giãn và trải nghiệm văn hóa.
1. Nhà thờ Mằng Lăng
Giới thiệu về nhà thờ Mằng Lăng
Nhà thờ Mằng Lăng là công trình kiến trúc vô cùng đặc biệt khi sử dụng lối kiến trúc Gothic đặc trưng của phương Tây, nhưng lại tọa lạc trên mảnh đất có văn hoá truyền thống đặc sắc như Phú Yên. Được biết nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất tại Việt Nam khi được xây dựng vào năm 1892.
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng nhờ vào bàn tay của vị linh mục đầu tiên của nhà thờ Mằng Lăng tên Joseph de La Cassagne, người dân theo đạo tại đây gọi theo tiếng Việt là Cổ Xuân. Nhà thờ còn được biết là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Lịch sử nhà thờ Mằng Lăng
Một trong những điều bí ẩn mà được nhiều du khách quan tâm đến chính là lịch sử của việc hình thành nhóm giáo dân tại địa bàn này, cũng như quá trình hình thành và xây dựng nhà thờ Mằng Lăng. Theo sử sách truyền lại, vào đời vua Lê Thánh Tông đã cho khai hoang vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ, và mở đất Phú Yên lấy núi Bi làm giới hạn.
Sau nhiều đời lưu truyền chức vụ người đứng đầu trấn giữ vùng đất này, thì đến năm 1629 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập Dinh Trấn Biên, và giao cho người con rể Nguyễn Phúc Vinh của mình trấn giữ. Phía trước Dinh chính là dòng sông Cái, là vị trí của nhà thờ Mằng Lăng lúc bấy giờ. Nhưng đến ngày nay Dinh Trấn Biên đã chìm sâu dưới dòng sông Cái.
Vợ của Nguyễn Phúc Vinh tức công chúa Ngọc Liên là một trong những người đầu tiên truyền giáo và giúp hình thành nhóm giáo dân tại đây. Không chỉ có công chúa Ngọc Liên mà nhờ vào đôi vợ chồng quan với tên thánh là Biển Đức là chung tay truyền giáo đến những người dân tại đây tạo nên một cộng đồng giáo dân và mọi người sẽ thường đi lễ tại Dinh Trấn Biên
Mãi cho đến năm 1892, linh mục Cố Xuân tên thật là Joseph de Cassagne đã cho khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng. Ông chính là vị linh mục Chánh xứ đầu tiên tại nhà thờ này. Ông đã xây dựng nhà thờ trong 15 năm với lối kiến trúc chính là Gothic vô cùng bí ẩn và cổ điển.
Vì sao lại là nhà thờ Mằng Lăng
Nhiều người dân và du khách khi đến tham quan tại nhà thờ Mằng Lăng, ai cũng phải gật gù, xuýt xoa với vẻ đẹp mà công trình kiến trúc này mang lại. Thế nhưng cũng có nhiều người thắc mắc về tên gọi của nơi đây. Tại sao lại là Mằng Lăng? Tên gọi ý nghĩa và mộc mạc này cất giấu bí mật gì đằng sau nó.
Theo như lời người dân nơi đây kể lại, cách đây 100 năm trước tại đây là một khu rừng già với cây cối um tùm và ti tỉ loại cây khác nhau. Thế nhưng ngay trong khu rừng lúc nào cũng rực lên sắc tím hồng vô cùng thu hút ánh mắt người nhìn. Cây có thân cây cao và tán rộng. Thêm vào đó là lá hình bầu dục, và hoa được kết theo chùm. Loài hoa này mang trong mình một sắc tím thuỷ chung và vô cùng nổi bật, đến nỗi ai đi ngang qua cũng phải ghé mắt là nhìn đôi chút.
Người dân địa phương đã tìm thấy loài hoa mang nét đẹp thân thương này và biết rằng nó cùng họ với hoa Bằng Lăng, thế nên họ đã gọi loài hoa này là hoa Mằng Lăng và gọi cây mọc nên loài hoa này cũng là Mằng Lăng.
Chính vì thế khi xây dựng nhà thờ tại khu vực này,họ đã gọi nhà thờ bằng cái tên thân thương và quen thuộc nhất chính là Mằng Lăng. Hiện nay loại cây Mằng Lăng tại nhà thờ đã không còn nữa, thế nhưng nơi đây vẫn còn dấu tích của chúng tại một bàn gỗ tròn có đường kính 1,7m trong nhà thờ. Bàn gỗ này đã được làm từ gốc cây Mằng Lăng từ rất lâu và vẫn được gìn giữ đến thời điểm hiện tại.
2. Gành Đá Đĩa
Đã tới du lịch Phú Yên, hẳn ai cũng phải một lần ghé qua Gành Đá Đĩa Phú Yên. Nơi đây được ví như tuyệt tác được tạo nên từ thiên nhiên, là một trong 5 ghềnh đá nổi tiếng nhất thế giới, đón rất nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm.
Địa chỉ Gành Đá Đĩa Phú Yên là ở thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Phú Yên này chỉ cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km nên bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Khách du lịch sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp có một không hai tại đây.
Ghềnh Đá Đĩa Phú Yên đã hình thành như thế nào để mang một vẻ đẹp vừa tuyệt diệu, vừa lãng mạn hiếm có như vậy? Được làm từ đá bazan hơn 200 triệu năm tuổi dưới tác động của núi lửa phun trào vùng cao nguyên Vân Hòa, Gành Đá Đĩa ở Phú Yên sở hữu những phiến đá nhiều hình dạng cực kỳ ấn tượng, từ hình vuông, hình tròn cho đến hình lục giác.
Mở rộng tầm mắt để nhìn Gành Đá Đĩa từ xa, bạn sẽ mường tượng ra một “tổ ong” khổng lồ nổi bật giữa vùng biển kỳ vĩ. Hàng nghìn cột đá được xếp khít nhau, lớp này xếp nối lên lớp kia, tạo nên một tổng thể vững chãi và bí hiểm. Vẻ đẹp của Gành Đá Đĩa Phú Yên lại càng trở nên ấn tượng hơn khi được sóng biển vỗ về, tô điểm thêm bởi những gam màu ấm áp, lung linh của sương, của nắng. Ghềnh Đá Đĩa xứng đáng là một trong những cảnh đẹp Phú Yên mà bạn không thể bỏ lỡ.
Nếu bạn thuộc “team sống ảo” thì hãy xách ba lô lên và đi du lịch Gành Đá Đĩa Phú Yên ngay thôi. Vẻ đẹp trời phú của địa điểm này sẽ giúp bạn mang về một album ảnh cực kỳ chất lượng, bất chấp bạn sử dụng máy cơ chất lượng cao hay một chiếc điện thoại bình thường. Bạn có thể lựa chọn lúc bình minh hay khi hoàng hôn buông xuống để chụp hình. Rực rỡ, hùng vĩ và ma mị, đó là cảm nhận của rất nhiều người khi đến nơi đây để check in.
3. Bãi Xép
Bãi Xép thuộc xã An Chấn, nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 13km về phía Bắc. Diện tích nơi đây không quá rộng với chỉ 500m đường bờ biển nhưng lại vô cùng tuyệt đẹp với khung cảnh hoang sơ, không chút dấu chân của con người.
Đến Bãi Xép, có thể bạn sẽ ngỡ ngàng trước sự kỳ vĩ của tạo hóa. Phía bên trái là tiếng sóng vỗ ì ầm, hòa tan li ti trên những phiến đá đen. Men theo đường biển là bờ cát trắng mịn, kéo dài đến tận mũi đá phía Nam. Những ghềnh đá chông chênh, những vách đá dựng thẳng đứng và những cánh rừng xanh mướt đã tạo cho Bãi Xép một khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ.
Tại nơi này, bạn không chỉ được tắm biển, thưởng ngoạn cảnh sắc đầy thi vị của đất trời mà còn hít thở bầu không khí trong lành, rong ruổi và trải lòng mình trước sự mênh mông vô tận của thiên nhiên.
Bãi Xép là một trong top 16 điểm đến hấp dẫn, đáng kinh ngạc nhất tại châu Á, được tờ báo Business Insider nổi tiếng bình chọn. Vẻ đẹp biển ở nơi đây được đánh giá cao khi vẫn giữ nét nguyên sơ, trong lành và yên bình, chưa bị thương mại hóa. Những bờ cát trắng mịn, những đợt sóng vỗ rì rào cùng khung cảnh thiên nhiên trải rộng tận chân trời sẽ là điều khiến bạn say mê và đắm đuối khi thưởng thức và dạo quanh bờ biển bãi Xép.
Bãi Xép còn nổi tiếng với những ghềnh đá đen huyền bí tập trung ở phía dưới vách đá, hướng mình ra đại dương bao la. Và sẽ chẳng một ai có thể cưỡng lại được sự hùng vĩ này của tự nhiên.
Dừng chân trên bãi đá, bạn có thể tha hồ thả dáng với chiếc view "độc quyền" của bãi Xép. Vừa có đá vừa có biển, vừa có mây trời vừa có ánh nắng, những bức hình sẽ thêm sống động và đặc biệt làm sao!
4. Chùa Thanh Lương
Chùa Thanh Lương là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam của xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 10 km. Với thiết kế bình dị bằng vật liệu từ thiên nhiên tạo lên không gian thanh tịnh bình yên, tĩnh lặng, trầm mặc, uy nghi. Từ hình ảnh những con đường cho tới các kiến trúc bên trong chùa đều rất đỗi bình dị và cuốn hút… Cảnh sắc xung quanh chùa Thanh Lương rất bình yên và tĩnh lặng, xung quanh chùa người dân sinh sống bằng nghề chài lưới, khí hậu nơi đây bốn mùa đều mát mẻ nên ngôi chùa luôn là điểm đến du lịch của Phú Yên. Đặc biệt, những câu chuyện xung quanh ngôi chùa gắn liền với pho tượng Quan Thế Âm từ ngoài khơi trôi dạt về đây luôn là điều khiến du khách trong nước và quốc tế cảm thấy tò mò và muốn khám phá.
Năm 2004, pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm trôi dạt về gần biển Hòn Dứa đã được người dân và nhà chùa tổ chức rước về thợ phượng tại chùa Thanh Lương. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây trù phú hơn, nhờ niềm tin vào sự may mắn, mưa thuận, gió hòa, vượt qua bão tố mỗi khi ra khơi.
Đại Đức Thích Quảng Ngộ trụ trì chùa đã từng bước tôn tạo và xây dựng nên một ngôi chùa bình dị, lắng đọng tâm hồn Việt với kiến trúc đặc biệt, mang hơi thở của văn hóa biển đảo miền Trung nhờ sự kết hợp khéo léo của chất liệu san hô biển và gáo dừa. Với sự khéo léo tài hoa của các người thợ và sự sáng tạo đột phá của thầy trụ trì Thích Quảng Ngộ, từ những gáo dừa thô ráp, những mảng san hô xù xì được đẽo gọt công phu qua bàn tay người thợ để tạo lên mái chùa có độ cong mềm mại, tự nhiên. Nội thất bên trong chùa được làm bằng gáo dừa nên luôn mang lại sự hài hòa cho tổng thể ngôi chùa, những mảnh ghép nâu, đen, trắng của gáo dừa kết hợp lại với nhau, tạo nên nét đẹp đặc trưng hoàn mỹ, độc và lạ.
Kết cấu chùa Thanh Lương gồm có cổng Tam quan, hồ Long Thủy, điện Quan Âm, Thiền đường. Tiếp đến là tượng Phật Bà Quan Thế Âm cao khoảng 7m ẩn mình giữa “hồ nước vô cực”, uy nghi bề thế soi mình xuống làn nước trong xanh vắt. Hồ nước có kích thước khá rộng với bức tượng Phật bà lớn màu xanh ngọt đặt ở một góc hồ. Trước bức tượng có lối đi bằng đá được sắp xếp uốn lượn để du khách có thể ra viếng Phật và chụp ảnh. Hình ảnh Phật Bà mỉm cười nhân hậu cùng bàn tay nhô lên khỏi mặt nước mang đến cho khung cảnh ngôi chùa sự linh thiêng, thiền tịnh đặc biệt.
Đến du lịch Phú Yên, du khách không thể bỏ qua ngôi chùa bằng vỏ ốc, gáo dừa và có tượng Phật ẩn mình giữa lòng hồ nước trong xanh đang là điểm đến vãn cảnh, thư thái ở xứ “hoa vàng cỏ xanh”.
5. Tháp Nghinh Phong
Phú Yên đã cho xây dựng tháp Nghinh Phong tại vị trí tuyệt đẹp của thành phố Tuy Hòa và khánh thành vào ngày 30/4/2022. Tên của tháp có nghĩa là “đón gió” với nhiều gửi gắm trong thiết kế. Tháp Nghinh Phong mang dáng dấp đặc trưng đã thành thương hiệu của Gành Đá Đĩa. Tòa tháp đôi Nghinh Phong cao hơn 25 m tại thành phố Tuy Hòa hiện nay đã thành điểm tham quan được nhiều người lui tới
Tòa tháp gây ấn tượng với điểm nhấn được tạo hình Ghềnh Đá Đĩa, lõi bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite. Về đêm, nơi này được chiếu sáng với công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu.
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Con Rồng Cháu Tiên", toà tháp đôi bên cao, bên thấp tượng trưng Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dưới chân mỗi toà tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau, tượng trưng cho "trăm trứng trăm con" phải tách nhau theo cha mẹ lên rừng xuống biển. Giữa hai cột tháp là một khe gió trang trí các hình ảnh về vùng đất "hoa vàng trên cỏ xanh".
Điều đặc biệt của tháp Nghinh Phong là khoảng trống giữa hai toà tháp chỉ đủ cho hai người đứng, mỗi khi có gió thổi qua khe hở sẽ tạo ra âm thanh như bản nhạc từ thiên nhiên và nó là độc nhất dành cho người thưởng thức.
Tháp Nghinh Phong thuộc dự án không gian công cộng ven biển, nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ - Độc Lập (thành phố Tuy Hòa). Ngoài tháp đôi, khu vực quảng trường Nghinh Phong còn có các hạng mục khác như hệ thống kè bảo vệ, công viên, đường đi dạo lát đá granite... với tổng diện tích hơn 7.000 m2.
Nếu có dịp chơi ở Phú Yên, hãy dành thời gian tận tưởng bản nhạc của gió tại tháp Nghinh Phong và ngắm công trình do con người Thủy Lợi góp phần sáng tạo.
Phú Yên rất đẹp