top of page

10 địa điểm hấp dẫn du lịch Quy Nhơn Bình Định

Quy Nhơn - Thành phố biển tỉnh Bình Định với những đường bờ biển dài thơ mộng nằm uốn lượn nép mình bên cạnh những dãy núi xinh đẹp. Với đặc trưng phía trước là biển, phía sau là núi đã biến Quy Nhơn trở thành một trong những thành phố du lịch biển xinh đẹp nhất. Tuy nhiên tại Quy Nhơn không chỉ có biển, thế bạn có biết nơi đây còn những địa điểm tuyệt vời nào không. Cùng khám phá 7 địa điểm du lịch Quy Nhơn Bình Định đẹp nhất nhé.


Biển quy nhơn


1. Kỳ Co

Kỳ Co nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 20 km về phía đông nam. Đây được coi là một địa điểm du lịch lý thú nhất tại Quy Nhơn với 2 mặt giáp núi và một mặt giáp biển. Rất thích hợp cho các dân phượt bằng xe máy. Bạn có thể di chuyển bằng ô tô nhưng đi bằng xe máy sẽ tiện hơn cho việc tham thú và khám phá nơi này.



Quy Nhơn có khí hậu ôn hòa thế nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời gian nào trong năm nhưng để thuận tiện nhất thì bạn nên đi vào thời gian khoảng từ tháng 2 đến tháng 8. Lúc này thời tiết mát mẻ, ít mưa hơn dễ dàng cho việc đi lại và thăm quan.


Tới đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ, thiên nhiên hòa hợp. Đứng từ xa bạn sẽ nhìn thấy cảnh núi non hùng vĩ, những tầng cây xanh rợp bóng mát, không khí thoáng đãng, gió tạt mạnh vào người mang theo hơi mặn chát đặc trưng của biển. Kỳ co có hướng vòng cung như vầng trăng khuyết của những ngày thường nhật.


Bạn sẽ cảm nhận được điều thú vị khi đến với bãi biển Kỳ Co đó là nước ở đây rất mát và nông. Bạn có thể thỏa thích thả mình trong làn nước ngọc bích, bơi ra xa 100m mà nước mới chỉ ngang đến cổ. Những dải cát trắng xóa, mềm mịn, những dặng cây xanh mát, bóng dừa rủ xanh xuống triền cát.


Còn gì thú vị hơn khi chán chê nô đùa với làn nước trong xanh bạn có thể đặt chân trần đi dạo bộ bên những dặng dừa hát vu vơ một vài khúc tình ca với biển. Cả  khung cảnh trở nên đẹp lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Bãi tắm Kỳ Co đẹp lung linh như một hòm kho báu chất đầy đá quý. Ánh mặt trời chiếu rọi mặt biển trong xanh lấp lánh trông xa như được rát bạc, những hạt cát óng ánh như những viên kim cương bé nhỏ.



Những phiến đá ở đây gắn kết với nhau, khi thủy chiều lên mang theo nước ùa vào giữa các khe đá đó tạo nên những hồ bơi nhân tạo tuyệt đẹp. Nước không trôi xuống mà như muốn níu giữ lắng đọng vào lòng đá, nghịch ngợm nô đùa mơn man, nũng nịu chân núi như những đứa trẻ nghịch ngợm.


Hồ bơi nhân tạo rất mát, nước trong xanh bạn có thể nhìn thấy rõ cả đáy lòng hồ bơi. Một hồ bơi nhân tạo có thể chứa được 5 đến 7 người. Rất thích hợp cho sự khám phá gia đình. Lại rất an toàn cho trẻ nhỏ bơi lội trong đó.


Vào buổi sáng khi mặt trời vừa ló rạng  nước biển Kỳ Co trong xanh như một tấm gương phản chiếu của bầu trời. Bạn có thể ra biển sớm để ngắm nhìn cảnh hoàng hôn thơ mộng. Những giọt sương mai còn đọng lại trên những phiến lá rơi nhỏ từng giọt vào lòng cát mịn. Thật yên tĩnh, thật thanh bình dễ chịu. Ánh mặt trời đỏ lừ, dần dần hiện ra sau đám sương mây mờ ảo. Những con thuyền chập trùng trên biển với câu hát khoan hò cho một ngày rạng rỡ bội thu.


Không chỉ thế ở đây còn có những vách đá, tảng đá to, phần chân vuông càng lên cao càng nhọn hoắt nhô lên giữa biển trông như những chiếc tháp nhỏ hay ngọn chông chọc lên bầu trời. Khi nước thủy triều rút xuống mọt con đường men theo vách đá sẽ hiện ra. Bạn còn có thể đi dọc theo dài vực núi gần bờ để đi ra thăm thú biển. Lội trong làn nước mát lành, đùa nghịch cùng sóng biển, lật những cọng rong rêu biển để bắt những động vật biển bé nhỏ.



Đặc biệt, bạn hãy lên lịch thưởng thức trọn vẹn biển Kỳ Co Quy Nhơn bằng việc ngắm san hô ở Bãi Dứa. Đi ghe, thuyền ra Bãi Dứa rất phổ biến, bạn có thể hỏi và hẹn lịch với các chủ ghe ở khu vực bãi biển trong ngày đầu tiên đến để có kế hoạch ra Bãi Dứa vào ngày nắng đẹp, tránh ngày mây mù u ám.


Bạn chỉ cần chuẩn bj những đồ dùng cần thiết như một chiếc ao phao, kính dâm… là bạn có thể bơi trên mặt nước biển ngắm nhìn cảnh sắc biển trời và những dặng san hô nhiều mùa sắc thú vị.


Du khách tới đây còn có thể thuê thuyền hay cano để đi khám phá biển, đi câu cá. Hoặc theo ngư dân ra biển để xem công việc đánh bắt hải sản thường ngày của họ.


2. Bãi Dứa

Bãi Dứa là một trong những bãi san hô tự nhiên đẹp và lớn nhất tại Quy Nhơn. Thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 25km, giáp với phía tây bắc của dãy núi Cấm. Nơi đây sở hữu làn nước biển trong xanh, bãi cát vàng trắng mịn cùng những rặng san hô rực rỡ. Dần nổi lên như một “điểm du lịch sáng giá” níu chân biết bao du khách từ xa đến gần.


Đến Bãi Dứa Quy Nhơn, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng các loài sinh vật biển đa dạng cùng những rặng san hô tuyệt đẹp lộng lẫy có một không hai. Ngoài ra, tại Bãi Dứa bạn còn có thể chơi nhiều trò chơi biển khá thú vị, hấp dẫn. Đặc biệt đây còn là nơi check in với nhiều tiểu cảnh độc đáo hết sức kỳ vĩ nên thơ. 


Quy Nhơn là một thành phố ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Gắn liền với miền khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nên được chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Thời gian này, thường ít xảy ra mưa, thời tiết luôn khô ráo, thoáng mát đẹp trời. Đây cũng chính là thời điểm lý tưởng để tham quan Bãi Dứa Quy Nhơn.


Còn thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, ở đây chính thức bước vào mùa mưa nên xảy ra mưa nhiều. Nếu muốn tham quan vào thời điểm này, du khách nên thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết. Bởi nếu đi vào ngày thời tiết xấu, sẽ không có phương tiện nào chở du khách ra Bãi Dứa. Nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối và tránh những trường hợp xấu nhất xảy ra.


3. Eo Gió

Eo Gió thuộc khu vực 3, thôn Lý Lương, xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một eo biển xanh, đẹp hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Không biết từ bao giờ hay xuất phát từ lòng mến mộ cảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia và du khách khi đến tham quan tại đây, mà địa danh Eo Gió - đã được “phong tặng” là nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.



Cái tên Eo Gió đã được người dân nơi đây đặt từ khá lâu xuất phát từ vị trí địa lý của nó. Nhìn từ xa Eo Gió giống như 1 cái yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển, mặt khác nếu đứng từ trên cao nhìn xuống lại tựa như một cái phễu, vì thế Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào với sức gió rất mạnh. Vào mùa đông, biển động dữ dội mang theo những cơn mưa và gió lớn, hơi lạnh của nước biển kèm theo những đợt sóng dâng cao sẽ bào mòn đá nơi đây, theo thời gian đã tạo nên những khe rãnh xẻ ngang đồi núi, hình thành các vách núi sừng sững. Chính những yếu tố thiên nhiên này đã tạo cho Eo Gió một vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ.


Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Nào là cảnh ngư dân đánh bắt cá; cảnh bà con ngư dân tranh mua hải sản khi thuyền vào bờ; là chùa Phước Sa - ngôi chùa có kiến trúc tuyệt đẹp, linh thiên và tượng Quan Âm trên đỉnh núi hướng ra biến như dõi theo, phù hộ độ trì cho bà con ngư dân trong vùng; là Tịnh Xá Ngọc Hòa - với tượng Phật bà Quan Âm hai mặt lớn nhất Việt Nam... Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn “bồng lai”.

Ngoại trừ mùa biển động, du khách có thể đến tham quan Eo Gió trong quãng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch. Đây là thời điểm biển lặng, kín gió, mặt nước êm đềm, trong xanh rất thích hợp cho những chuyến dã ngoại, lặn ngắm san hô và chinh phục đỉnh Eo Gió...


4. Tịnh Xá Ngọc Hòa

Tịnh Xá Ngọc Hòa là một ngôi chùa tọa lạc trên bán đảo Phương Mai, thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.



Nằm giữa làng chài yên bình và được bao bọc bởi bãi biển xanh ngát, sóng vỗ lăn tăn nên địa điểm du lịch Quy Nhơn này càng thêm phần thanh tịnh. Ngoài ra, nơi này còn nằm cạnh thắng cảnh Eo Gió Quy Nhơn thơ mộng, khiến cho bức tượng đôi Phật Bà Quan Âm lại càng được tôn lên vẻ uy nghiêm, lộng lẫy, tráng lệ. Vì vậy, Tịnh Xá Ngọc Hòa đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan, đặc biệt là những tín đồ Phật giáo.


Tịnh Xá Ngọc Hòa Quy Nhơn được khởi công xây dựng từ năm 1960 bởi cố Đức Thầy Thích Giác An và sau 2 năm, nơi này đã chính thức hoàn thành vào tháng 5/1962. Trải qua thời gian dài, ngôi chùa đã được các trụ trì tu sửa và mở rộng, khang trang hơn nhưng vẫn giữ nguyên được nét tâm linh vốn có. Ngày nay, Đại Đức Thích Gia Tri là trụ trì chính của chùa.


Ban đầu, nơi này được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, nhưng do tọa lạc tại vị trí khá cao trên dốc núi, nên đã được bê tông hóa và mang đậm phong cách của hệ phái Khất Sĩ.

Đặc biệt, chánh điện được thiết kế kết hợp giữa nét cổ kính và một chút hiện đại, tạo hình được ví như chiếc chìa khóa nằm dọc theo hướng Bắc – Nam. Trung tâm là nơi thờ tự Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng) với kiến trúc hình bát giác độc đáo tạo nên một không gian vô cùng trang nghiêm và thanh tịnh.


Sở hữu vị thế đắc địa, lưng tựa núi, mặt hướng biển, xung quanh là cây cối quanh năm xanh tốt, nơi đây đã thu hút đông đảo du khách và những người theo đạo Phật tới thăm hằng năm.

Đặc biệt, khuôn viên Tịnh Xá Ngọc Hòa được bài trí rất nhiều cây cảnh, cây ăn quả, cây cổ thụ cùng những bức tường cổ kính phủ đầy rêu phong, giúp cho không khí ở đây mát mẻ, trong lành hơn và cũng mang đến một điểm dừng chân tuyệt vời cho những người yêu thiên nhiên. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan, chiêm bái mà còn có thể ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động với bốn bề biển cả và cây cối tươi tốt, rất đỗi yên bình.



Có thể nói kiến trúc nổi bật nhất tại Tịnh Xá Ngọc Hòa chính là tượng đôi Phật Bà Quan Thế Âm. Với chiều cao khoảng 30m, đây là bức tượng Phật đôi cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, một bức hướng về phía Bắc là Quan Thế Âm Nam Hải. Tượng còn lại hướng về phía Nam là Quan Thế Âm Kiết Tường.


Trước đây, bức tượng hướng về phía Bắc được sơn màu bạc, tượng trưng cho “Biển bạc”, mong muốn sự thịnh vượng, bình an cho ngư dân trên biển. Còn bức tượng hướng về phía Nam được sơn màu vàng, tượng trưng cho “Rừng vàng”, mong muốn sự thịnh vượng, an lạc cho tất cả chúng sinh và các dân tộc của đất nước. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, sự nhất trí của Phật tử và Sư Trụ Trì, đôi tượng Phật đã được sơn toàn bộ bằng sơn mủ vàng để chống sự ảnh hưởng của thời gian.


Không chỉ chiều cao, bức tượng Phật đôi tại Tịnh Xá Ngọc Hòa Nhơn Lý còn gây ấn tượng với những đường nét điêu khắc tinh xảo và độc đáo. Mỗi bức tượng đại diện cho sự thăng hoa tinh tế của một vị thần từ những nền văn hóa khác nhau: đôi mắt lấy từ Tây Tạng, thân hình của một người mẫu Việt Nam, chiếc khiên ở giữa và hình ảnh ngọn lửa hủy diệt lấy cảm hứng từ thần Shiva của Ấn Độ và bức bích họa được lấy từ văn hóa Chăm Pa…


Ngoài ra, bên trong thân tượng Quan Thế Âm được xây rỗng gồm nhiều tầng, có thể đặt được khoảng 2.000 bức tượng cỡ nhỏ, cùng đầy đủ thông tin cần thiết về ý tưởng và quá trình hoàn thiện tượng để lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Đế của tượng được xây bằng đá tổ ong, tuân theo kỹ thuật truyền thống của Bình Định.


5. Mộ Hàn Mặc Tử

Nếu có dịp đến Quy Nhơn, đừng quên viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử - nơi an nghỉ cuối cùng của người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.



Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, mất năm 1940, tên thật là Nguyễn Ngọc Trí. Trong cuộc đời sáng tác thơ văn, Hàn Mặc Tử là người khởi xướng xu hướng “trường thơ loạn” với phong cách viết thơ độc đáo. Ông cũng là người tiên phong cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. 


Các tác phẩm của Hàn Mặc Tử có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với nền văn học nước nhà, tiêu biểu có thể kể đến như Lệ Thanh thi tập, Thơ Điên, Duyên Kỳ Ngộ. Tài hoa nhưng bạc mệnh, Hàn Mặc Từ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ - 28 tuổi do căn bệnh phong quái ác. 


Năm 1940, Hàn Mặc Tử qua đời và được an táng tại Quy Hòa. Đến 20 năm sau, phần mộ của ông được gia đình và bạn bè di dời về đồi Thi Nhân, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện tại, ngôi mộ của ông vẫn được chăm sóc cẩn thận và trở thành một trong những điểm tham quan thu hút du khách khi đến với thành phố biển miền Trung thơ mộng.


Mộ Hàn Mặc Tử có thiết kế đơn giản với cấu trúc theo hình chữ nhật vuông vức có tượng thánh giá được xây dựng trên một gò đất nhô lên hướng thẳng ra biển. Dưới phần mộ là những bậc thang đá ong được xếp thoải để bước lên phần mộ chính. Phía trên là tượng mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. 


Trên bia mộ có một chiếc bảng đen ghi tên những người đóng góp, có công xây dựng nên phần mộ này. Khu vực xung quanh phần mộ chính được trồng hoa, cây xanh mang đến không khí thơ mộng, bình yên cho du khách đến thăm.


6. Nhà thờ Ghềnh Ráng

Nằm trong khu du lịch nổi tiếng Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Đông Nam, Nhà thờ đá là một nơi tham quan khá thú vị...



Đối diện khu mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi cao, Nhà thờ đá khuất sâu phía dưới, về hướng biển. Đứng trước cổng gỗ đơn sơ du khách khó tưởng tượng được quang cảnh thơ mộng bên trong. Bước qua cổng gỗ, một không gian xanh mát khiến bước chân tò mò của du khách bị cuốn theo (lên, xuống) con đường lát đá, càng đi càng cảm thấy bị chinh phục bởi khung cảnh yên bình và ấm áp.


Tên gọi nhà thờ là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, giáo phận Quy Nhơn. Nhà thờ mặt hướng ra biển, do nằm trên triền dốc nên mặt bằng rất hạn chế, lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy nhiên chính không gian xanh và cách trang trí có chủ đề làm cho khách cảm thấy gần gũi.


7. Bãi Trứng

Chỉ cách trung tâm Thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km, bãi Đá Trứng (hay còn có tên gọi khác là bãi Hoàng Hậu) là điểm đến tham quan, ngắm biển kết hợp với không gian cafe, ăn uống nổi tiếng của thành phố Quy Nhơn.


Đến nơi đây, bạn không chỉ thích thú với không gian bình yên, trong lành của thành phố biển mà còn được ngắm nhìn hàng ngàn viên đá khổng lồ với những hình dáng độc đáo, ấn tượng. Còn gì tuyệt vời hơn khi được rảo bước chân trần trên từng phiến đá mát lạnh. Đây sẽ là một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ đối với du khách khi ghé thăm nơi này.



Bãi Đá Trứng Quy Nhơn được hình thành do hoạt động địa chất kết hợp cùng sự bào mòn của biển được diễn ra từ hàng triệu năm về trước. Tuy nhiên, nơi đây cũng được gắn liền với một giai thoại truyền miệng. Bãi Đá Trứng còn có tên gọi khác là “bãi Hoàng Hậu” vì xưa kia, Nam Phương Hoàng Hậu – vợ vua Bảo Đại từng chọn nơi đây làm bãi tắm riêng. Dần dà, người dân địa phương quen gọi nơi đây là “bãi Hoàng Hậu” cho đến tận bây giờ.


8. Tháp Đôi

Tháp Đôi Quy Nhơn chính là một trong những công trình kiến trúc độc đáo mà khi nhắc tới Bình Định, du khách nào cũng muốn đặt chân tới thăm Tháp Đôi này.



Có người đã từng nói: Gương mặt của Quy Nhơn là biển, cốt cách của Quy Nhơn là võ cổ truyền, tâm hồn của Quy Nhơn là đồi Thi Nhân nơi thi sĩ Hàn Mặc tử yên nghỉ và lịch sử của Quy Nhơn chính là di tích Tháp Đôi”. 


Về vị trí địa lý, tháp Đôi Quy Nhơn tọa lạc tại một khuôn viên trải đầy thảm cỏ và cây xanh rộng lớn với diện tích lên đến 6000m2 trực thuộc đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Có thể nói, tòa tháp này sở hữu vị trí không chỉ đặc biệt mà còn vô cùng lý tưởng.


Có thể bạn đang thắc mắc là vì sao lại đặc biệt. Thông thường, các tòa tháp Chăm thường được xây dựng nằm trên các đỉnh đồi và cách xa khu dân cư sinh sống. Tháp Đôi Quy Nhơn tuy không nằm trên một đỉnh đồi nhưng lại nép mình trong một khuôn viên xanh mát được bao phủ bởi thảm cỏ và nhiều cây xanh. Điều đặc biệt hơn cả là bên ngoài khuôn viên thì vẫn là những hộ dân cư bình thường đó!


Ngoài ra, điều khiến tòa tháp này trở thành một điểm du lịch lý tưởng vì nơi đây nằm cách trung tâm thành phố chỉ từ 5 đến 10 phút di chuyển vô cùng nhanh chóng và dễ đi. Thích hợp để người lớn có dịp tham quan mà không phải lo lắng về đường đi quá xa. Bên cạnh đó, nhờ vào khuôn viên xanh ngát rộng lớn, tòa tháp như tách mình ra khỏi những xô bồ của phố thị ồn ào và nổi bật với diện mạo uy nghiêm, cổ kính. Nếu có dịp ghé chơi thành phố biển xinh đẹp này, bạn đừng quên ghé tham quan tháp Đôi Quy Nhơn nhé!


Về lịch sử hình thành, tháp Đôi Quy Nhơn mang âm hưởng của kiến trúc Khmer trong nó bởi nơi này được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 khi nước Champa và Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer) vẫn còn xảy ra chiến tranh kéo dài. Ngoài ra, tòa tháp đôi này còn được biết với những tên gọi khác như: tháp Hưng Thạnh hay tháp Sri Banoi (trong tiếng J’rai).


Về kiến trúc tổng thể, do là tòa tháp đôi nên nơi này gồm có 2 tòa tháp chính là tháp phía Bắc và tháp phía Nam đứng cạnh nhau. Trong đó, tháp lớn cao 20m và tháp nhỏ cao 18m tựa như một đôi nam nữ vậy đó.


Bạn biết không, Bình Định xưa kia chính là kinh đô của vương quốc Chăm Pa cổ đại. Do vậy mà nơi đây cũng đã nghiễm nhiên trở thành nơi sở hữu số lượng các tháp Chăm lớn nhất Việt Nam đó!

Tháp Đôi Quy Nhơn là một trong số bảy tòa tháp thuộc sự sở hữu của tỉnh Bình Định, được công nhận là Di tích Quốc gia của tỉnh này. Có thể nói, nếu xét về kiến trúc thì tháp Đôi Quy Nhơn lại khá khác biệt so với những anh chị em họ hàng của mình tại tỉnh Bình Định. Đại đa số các tháp Chăm tại Việt Nam đều mang phong cách Nam Ấn, ngoại trừ các đền tháp như Hưng Thạnh (tháp Đôi Quy Nhơn) và Bằng An là sở hữu lối kiến trúc mang phong cách Bắc Ấn mà thôi.



Các tòa tháp Chăm pa thường thờ các vị thần Hindu và các vị vua Chăm và tại tháp Đôi Quy Nhơn thì nơi đây lại thờ Linga và Yoni. Trong đó, Linga là biểu hiện đặc tính dương còn Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần Shiva (Ấn Độ). Cùng chung với nhau, cả hai biểu tượng cho sự hợp nhất của tiểu vũ trụ và đại vũ trụ; của quá trình sáng tạo và tái sinh vĩnh cửu thiêng liêng và của sự kết hợp giữa nam tính và nữ tính.


Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng quan sát thấy tòa tháp đôi này được cấu tạo nên từ gạch nung đỏ được đắp san sát đều khít nhau cùng các chi tiết điêu khắc có tính nhịp điệu, lặp lại, đối xứng hoặc giật cấp; càng về sau sẽ càng nhỏ hơn trước hoặc ngược lại.


Đến với tháp Đôi Quy Nhơn, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật - tôn giáo độc đáo từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của người Chăm xưa, ngậm ngùi trước phế tích còn lại của một vương triều đã mất, lắng lòng trước sự khắc nghiệt của thời gian và dâu bể tang thương chắc chắn sẽ đem lại cho du khách nhiều điều thú vị.


9. Tháp Dương Long

Tháp Dương Long là cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.


Tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa.



Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 42m, tháp Nam cao 36m và tháp Bắc cao 34m. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó (cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng vừa lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kì bí. Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam. Tháp Dương Long được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt ngày 23/12/2015.


10. Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở Bình Định, nơi đây gắn liền với khởi nghĩa Tây Sơn là một trong những cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc thành công nhất ở nước ta. Để lưu giữ lại những hiện vật lịch sử một thời đáng nhớ, người ta cho xây dựng bảo tàng Quang Trung Bình Định ngay tại chính quê hương của người anh hùng dân tộc.



Tây Sơn nơi có bảo tàng mang tên ngươi anh hùng “áo vải” Quang Trung – Nguyễn Huệ (thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn vào những năm thế kỷ 18). Nơi đây không chỉ lưu giữ những hiện vật lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà còn là nơi lưu lại dấu tích ba anh em họ Nguyễn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Được khánh thành vào năm 1978 tại làng Liên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km theo đường quốc lộ 19. Nơi đây được coi là bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng như bảo tàng thu hút được đông đảo khách đến tham quan du lịch và tìm hiểu về lịch sử nhiều nhất ở Việt Nam.


Các bạn có thể đến thăm bảo tàng vào tất cả các ngày trong tuần, sáng từ 7h đến 11h, chiều từ 1 rưỡi đến 5 giờ.


Khu vực bảo tàng Tây Sơn Quang Trung Bình Định được thiết kế với cấu trúc 9 phòng trưng bày lưu giữ khoảng trên 11.000 hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn.


Nằm trong quần thể bảo tàng là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng các danh tướng thân cận, dưới sự chung tay góp sức của đông đảo nhân dân, vào năm 1958 điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2.


Bảo tàng được thiết kế với bố cục cân đối, tỏa tròn ra tứ hướng và tụm lại vào điểm chính giữa – nơi đặt tượng đài Quang trung – Nguyễn Huệ. Từ xa trông vào ta thấy bao quanh bảo tàng Quang Trung Bình Định là “khí chất” cổ xưa với những lớp mái ngói đỏ gạch, cong cong chạm khắc những hình uốn lượn điêu nghệ.


Trước sân có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian còn lại thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi điện đặt ban thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…


Bảo tàng Quang Trung Bình Định không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử mà còn là nơi lưu truyền tinh thần võ thuật dân tộc Tây Sơn – môn võ thuật truyền thống của Bình Định. Để làm tăng thêm tính sinh động cho những bài múa võ, người dân nơi đây còn cho tái hiện màn trống trận năm xưa của vua Quang Trung. Mỗi bài trống trận đều gồm có 3 phần: xuất trận, công thành, khải hoàn… Nhưng điểm đặc biệt ở đây là không hề có hồi trống thu quân, bởi người đời truyền tai nhau rằng trong cuộc đời thân trinh của “người anh hùng áo vải đất Tây Sơn” chưa một lần thất trận, chưa một lần phải thu quân, cứ chiến thắng liên tiếp như hồi trống dồn dập không dừng.


Đến thăm bảo tàng Quang Trung Bình Định, du khách sẽ có dịp được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, kiên cường bất khuất và lòng yêu nước thương dân thông qua trang sử oai hùng của khởi nghĩa Tây Sơn, những chiến công hiển hách của Nguyễn Huệ và những vị tướng thân cận kiên trung.


Xem thêm

63 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Hay Nhat
Hay Nhat
Mar 16, 2024
Rated 5 out of 5 stars.

Thành phố du lịch tuyệt vời, giá cả rẻ, đường phố sạch sẽ

Like
bottom of page