top of page

Khám phá Thành Cổ Loa - Huyền thoại nỏ thần An Dương Vương

Về với thành Cổ Loa là về với những câu chuyện huyền thoại của nỏ thần, An Dương Vương, Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Không những thế, nơi đây còn ghi dấu trong lòng du khách bởi các công trình kiến trúc độc đáo, được lưu giữ và bảo tồn cho đến tận ngày nay.


Cùng bài viết sau đây của Cách Hay Nhất tìm hiểu về thành cổ Cổ Loa - địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn, không thể bỏ qua.

Thành Cổ Loa - toà thành cổ hơn 2.000 năm tuổi ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội
Thành Cổ Loa - toà thành cổ hơn 2.000 năm tuổi ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội

Nhiều công trình trong khu di tích thành Cổ Loa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia
Nhiều công trình trong khu di tích thành Cổ Loa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia

1. Đôi nét giới thiệu về thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa còn có tên gọi khác là Loa Thành, là tòa thành cổ gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây thành và chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Tòa thành này được xây dựng từ thế kỷ thứ III TCN, là kinh đô của nước Âu Lạc, nay thuộc địa phận của huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội.


Cổ Loa là toà thành có quy mô, cấu trúc thuộc loại lớn và độc đáo nhất ở nước ta. Trong khu di tích hiện có khoảng 60 di tích cổ, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, nơi đây còn đang bảo tồn một hệ thống di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các tập tục, lễ hội dân gian đặc sắc, làng nghề truyền thống và văn hoá ẩm thực đặc trưng.


Thành Cổ Loa có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, thể hiện sức sáng tạo và trình độ kỹ thuật của người Việt cổ. Với những yếu tố đó, Loa Thành đã trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch Hà Nội. Các công trình trong khu di tích như Đình Cổ Loa, Đền Thượng, Am Bà Chúa, Giếng Ngọc… vẫn ngày ngày đón khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Nhiều công trình trong khu di tích vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn
Nhiều công trình trong khu di tích vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn

2. Giá vé tham quan thành Cổ Loa

Khu du tích Cổ Loa mở cửa cho khách tham quan từ 8h – 17h hàng ngày. Giá vé tham quan chỉ 10.000 VND/ người, miễn phí vé cho trẻ em dưới 15 tuổi và người có công với Cách mạng. Chi phí làm lễ dâng hương là 600.000 VND/ đoàn, phí thuê hướng dẫn viên du lịch dao động từ 300.000 VND/ hướng dẫn.

Vé tham quan thành cổ loa
Vé tham quan thành cổ loa

3. Thời điểm lý tưởng để đi du lịch thành Cổ Loa

Nếu muốn vãn cảnh, bạn có thể ghé thăm khu di tích này vào bất kỳ mùa nào trong năm tuỳ thích. Tuy nhiên, đẹp nhất vẫn là vào mùa hè – thời điểm hoa bằng lăng và hoa phượng nở. Lúc này, thời tiết cũng khá dễ chịu, nắng ráo phù hợp cho các hoạt tham quan ngoài trời.

Nếu muốn trải nghiệm không khí hội hè, du khách nên đến thành Cổ Loa vào ngày 5 – 6 tháng giêng. Đây là thời gian diễn ra Lễ hội Cổ Loa, lễ hội nhằm tôn vinh công đức của An Dương Vương trong việc xây thành và tạo dựng nhà nước Âu Lạc.

Thành Cổ Loa là điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn
Thành Cổ Loa là điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Ngoài ra, du khách còn có thể đến đây vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch hàng tháng để tham gia phiên chợ Sa. Phiên chợ ngày đã có từ lâu đời, chỉ họp 5 ngày mỗi tháng. Chợ họp từ 5h sáng đến 11h trưa, ngay tại trục đường chính dẫn vào thành.


4. Phương tiện và cách di chuyển đến thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20 km. Du khách có thể đến thăm toà thành cổ này bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Trong đó, xe buýt vẫn là phương tiện được nhiều người lựa chọn hơn bởi sự tiện lợi và mức giá rẻ. Từ Hà Nội có khá nhiều tuyến xe buýt qua Cổ Loa, giá vé chỉ từ 7.000 – 9.000 VND/ lượt, tuỳ theo điểm xuất phát mà bạn có thể chọn cho mình tuyến phù hợp.

  • Gần khu Mỹ Đình: Tuyến xe buýt số 46.

  • Gần Ga Hà Nội và công viên Thống Nhất: Tuyến xe buýt số 43.

  • Điểm trung chuyển Long Biên: Tuyến xe buýt số 15 và 17.

  • Gần khu Như Quỳnh và đại học Nông nghiệp: Tuyến xe buýt số 59.

Ngoài xe buýt thì các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy cũng rất phù hợp để đi du lịch thành Cổ Loa. Du khách có thể tham khảo các lộ trình di chuyển sau đây:

Hướng cầu Thăng Long: Trung tâm thành phố - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long – Hải Bối – đường 6 km – Quốc lộ 3 – Cổ Loa. Hướng cầu Chương Dương: Trung tâm thành phố - cầu Chương Dương – Nguyễn Văn Cừ - cầu Đông Trù – Tiên Hội – Quốc Lộ 3 – Cổ Loa. Hướng cầu Nhật Tân: Trung tâm thành phố - cầu Nhật Tân – đường 5 kéo dài – Quốc lộ 3 – Cổ Loa.


5. Kiến trúc độc đáo của thành Cổ Loa

Kiến trúc của thành Cổ Loa có dạng vòng ốc cực kỳ đặc trưng, tên gọi Loa Thành cũng xuất phát từ hình dáng của toà thành. Theo ghi chép, thành có tổng cộng 9 vòng xoáy trôn ốc, ngày nay chỉ còn lại 3 vòng. Cấu trúc thành được chia thành 3 khu là thành nội, thành trung và thành ngoại, hình thù khúc khuỷu với nhiều công trình kiến trúc độc đáo.

Một phần thành hào còn sót lại
Một phần thành hào còn sót lại

Thành ngoại

Thành ngoại có chu vi chừng 8 km, được xây dựng bằng phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, đắp thành và xây lũy liền kề. Phần luỹ xưa cao từ 4 – 5 m, có chỗ cao đến 8 – 12 m. Theo ước tính, tổng lượng đất ở đây khoảng 2,3 triệu m3.

Thành trung

Phần thành trung có chu vi 6,5 km, kết cấu tương đối giống thành ngoại. Tuy nhiên, diện tích thành lại hẹp và có phần kiên cố hơn.

Cấu trúc 3 vòng thành cực kỳ kiên cố và chắc chắn
Cấu trúc 3 vòng thành cực kỳ kiên cố và chắc chắn

Thành nội

Thành nội của thành Cổ Loa có diện tích khoảng 2 km2, xưa là nơi ở của An Dương Vương cùng cung tần, mỹ nữ và quan lại trong triều. Ngày nay, thành nội được dùng làm nơi thờ tự An Dương Vương và công chúa Mỵ châu, nhiều công trình kiến trúc thuộc di tích cũng quy tụ trong tòa thành này.


6. Các địa điểm tham quan nổi bật tại thành Cổ Loa

Là một trong những toà thành cổ có quy mô và kiến trúc độc đáo nhất tại Việt Nam, khu di tích Cổ Loa có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn chờ bạn khám phá.


6.1 Di tích đền thờ An Dương Vương

Đền thờ An Dương Vương còn có tên gọi khác là Đền Thượng, được xây dựng trên một quả đồi mà trước đây là cung thất của nhà vua. Đền xoay mặt về hướng nam, các công trình chính trong đền đều nằm trên trục Dũng đạo (Thần đạo). Trong đền có pho tượng An Dương Vương được đúc bằng đồng cùng vô số các di vật lịch sử, đồ cổ bằng gỗ, sứ và vải.

Đền Thượng nằm trên phần đất trước đây là cung thất của nhà vua
Đền Thượng nằm trên phần đất trước đây là cung thất của nhà vua

6.2 Di tích Giếng Ngọc

Đằng trước ngôi đền Thượng là một hồ nước lớn, giữa hồ có một cái giếng cổ - nơi Trọng Thuỷ đã gieo mình tự vẫn. Tương truyền, nếu dùng nước trong giếng này để rửa ngọc trai thì ngọc sẽ càng thêm sáng. Do đó, giếng nước này được đặt tên là Giếng Ngọc. Đây cũng là địa điểm tham quan hút khách nhất ở thành Cổ Loa.

Giếng Ngọc - di tích gắn liền với câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thuỷ
Giếng Ngọc - di tích gắn liền với câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thuỷ

Giếng Ngọc có hình cung tròn, bờ cong tự nhiên được kè bằng đá, xung quanh có lối đi và cây xanh. Trước đây, hồ nước thông ra đến tận phần hào của 2 vòng thành ngoài và bến sông phía đông – nam thành ngoại. Theo truyền thuyết, công chúa Mỵ Châu và Trọng Thuỷ vẫn thường bơi thuyền du ngoạn quanh hồ nước này trước khi chiến tranh nổ ra.


6.3 Di tích Am Bà Chúa

Am Bà Chúa hay mộ Mỵ Châu là công trình nằm phía sau cây đa nghìn tuổi. Trong am có bức tượng Mỵ Châu – một tảng đá tự nhiên có dạng hình người không đầu. Huyền thoại kể rằng, Mỵ Châu sau khi chết đã hóa thân thành tảng đá lớn trôi dạt về bãi Đường Cấm, phía đông Loa Thành. Người dân đem võng ra cáng về ,đến gốc đa thì võng đứt làm tảng đá rơi xuống. Thấy vậy, người dân bèn lập đền thờ ở đó, gọi là Am Bà Chúa.

Bức tượng đá không đầu trong Am Bà Chúa
Bức tượng đá không đầu trong Am Bà Chúa

6.4 Di tích Đền thờ Cao Lỗ

Đền thờ Cao Lỗ cũng là địa điểm được nhiều người ghé thăm khi tham quan thành Cổ Loa. Cao Lỗ là vị tướng tài dưới thời vua Thục Phán, là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu bắn được nhiều mũi tên cùng lúc và giúp vua xây thành.

Bức tượng tướng Cao Lỗ được dựng ngay giữa hồ trước đền thờ
Bức tượng tướng Cao Lỗ được dựng ngay giữa hồ trước đền thờ

Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân đã đúc tượng và xây đền thờ tự. Đền Cao Lỗ có quy mô nhỏ, giữa ao nước trước đền có bức tượng Cao Lỗ đang giương nỏ. Trong đền vẫn còn lưu giữ rất nhiều mũi tên đồng do các nhà khảo cổ học khai quật được.


6.5 Di tích Ngự Triều Di Quy – Đình Cổ Loa

Ngự Triều Di Quy tọa lạc trên nền của điện thiết triều cũ, được chuyển từ nơi khác về và dựng lại hồi cuối thế kỷ XVIII. Ngôi đình nằm gần giữa khu thành nội, cách đền An Dương Vương khoảng 300 m về phía đông, phía tây chính là Am Mỵ Châu. Đình có kiến trúc vững chãi và bề thế nhất thành Cổ Loa, hiện là nơi trưng bày nhiều di tích khảo cổ.

Kiến trúc bề thế của Ngự Triều Di Quy
Kiến trúc bề thế của Ngự Triều Di Quy

Ngự Triều Di Quy có phần Nghi môn được xây trát theo kiểu 2 tầng, có mái đắp giả ngói ống. Lối vào có 2 cửa, 1 chính 2 phụ liền tiếp với tường tạo thành phần ngăn cách ở phía trước. Bên trái là đường dẫn ra Am Mỵ Châu, giữa đình có bức cửa võng chạm hình tứ quý và tứ linh.


6.6 Khu vực trưng bày các hiện vật khảo cổ ở Cổ Loa

Nhà trưng bày là nơi triển lãm các hiện vật cổ được khai quật trong khuôn viên di tích Cổ Loa. Ở đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng bản đồ Loa Thành cổ với 9 vòng thành, hình dáng chiếc nỏ thần và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Khu trưng bày với nhiều hiện vật khảo cổ quý
Khu trưng bày với nhiều hiện vật khảo cổ quý

7. Ăn gì khi đi tham quan, du lịch thành Cổ Loa

Đến với Cổ Loa, món đầu tiên mà bạn phải thử chính là bún Mạch Tràng – đặc sản của làng Mạch Tràng nói riêng và Đông Anh nói chung. Sợi bún Mạch Tràng to hơn so với các loại bún thông thường, màu hơi đục, khi ăn có cảm giác giòn và dai rất đặc trưng.

Bún Mạch Tràng - đặc sản vùng Đông Anh
Bún Mạch Tràng - đặc sản vùng Đông Anh

Ngoài ra, gần khu vực thành còn có rất nhiều quán ăn ngon cho du khách lựa chọn. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến món cháo trai Cổ Loa ngon nức tiếng. Cháo được bán bên trong chợ, chỉ 2 tiếng từ 14h – 16h là hết veo.


Nguyên liệu của món cháo là loài trai được đánh bắt từ sông Hoàng Giang, dai, béo và rất ngọt. Cháo thường ăn kèm với quẩy và cà muối, vừa chống ngán vừa tăng thêm hương vị. Mỗi bát cháo trai ở đây có giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 VND/ bát.


8. Địa điểm lưu trú gần thành Cổ Loa

Để thuận tiện cho việc tham quan, du khách nên lưu trú tại các khách sạn Hà Nội, thuộc khu vực Đông Anh và Tây Hồ. Bạn có thể truy cập vào ứng dụng du lịch Traveloka để tìm kiếm các khách sạn giá tốt ở quận Tây Hồ và Đông Anh. Traveloka cập nhật nhanh chóng các deal lưu trú chất lượng tốt, giá rẻ ở nơi bạn đến, hỗ trợ đặt phòng và thanh toán trực tuyến.


List khách sạn giá tốt gần thành Cổ Loa cho bạn tham khảo: Nhat Tan Hotel

Vị trí: Chân cầu Nhật Tân, Thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh.

Mức giá: từ 170.000 VND/ đêm.

Nhat Tan Hotel là điểm lưu trú chất lượng với mức giá siêu tốt mà bạn không thể bỏ qua trong chuyến đi của mình. Với mức giá này, bạn vẫn sẽ nhận được các tiện ích cần thiết cho nhu cầu nghỉ ngơi. Phòng ốc cực kỳ khang trang, sạch sẽ, nhân viên thân thiện và nhiệt tình.

Green Lotus Hotel

Vị trí: Số 493 Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ.

Mức giá: từ 450.000 VND/ đêm.

Green Lotus Hotel được khách hàng đánh giá cao về chất lượng phòng ốc và dịch vụ trong tầm giá dưới 500.000 VND. Hệ thống phòng rộng rãi và thoáng mát, trang trí đơn giản tạo nên sự ấm cúng, gần gũi. Bên cạnh đó, khách sạn còn nằm khá gần với thành Cổ Loa, thuận tiện cho việc đi lại.

Hoa Dao Hotel

Vị trí: Số đường 713 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ.

Mức giá: từ 900.000 VND/ đêm.

Hoa Dao Hotel sẽ mang đến cho bạn những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái với hệ thống phòng nghỉ chất lượng cao. Khách sạn có đa dạng các loại phòng với nhiều mức giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi, khoảng view siêu đẹp. Bạn nhớ đặt phòng khách sạn sớm để có cơ hội nhận được những ưu đãi bất ngờ nhất nhé.


9. Gần Thành Cổ Loa có gì chơi ?

Thành Cổ Loa nằm khá gần với các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội. Do đó, du khách hoàn toàn có thể kết hợp nhiều điểm tham quan trong một ngày. Sau khi thăm thú thành Cổ Loa, các bạn có thể ghé thăm:


Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình nhà hát do người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1901. Nhà hát Lớn nằm trên Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, mô phỏng kiến trúc của nhà hát Opera Garnier ở thành phố Paris. Nơi đây là một trong những tọa độ check – in đẹp nhất tại Thủ đô Hà Nội.


Nhà thờ Lớn Hà Nội

Nhà thờ Lớn Hà Nội là nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất ở Hà Nội. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp cổ kính, Nhà thờ lớn còn điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và vui chơi quen thuộc của người dân Hà thành.


Phố Cổ Hà Nội

Du khách có thể kết thúc chuyến tham quan thành Cổ Loa của mình bằng cách ghé qua khu Phố Cổ cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, bạn sẽ được khám phá nếp sống, văn hoá cũng như nghệ thuật ẩm thực độc đáo của người Tràng An thanh lịch. Ngoài ra, những mảng tường rêu phong trong Phố Cổ cũng sẽ là background “sống ảo” cực nghệ cho các tín đồ checkin đấy!


Thành Cổ Loa là nơi lưu giữ những giá trị quý báu về văn hoá, lịch sử, là điểm đến hấp dẫn trong mọi chuyến tham quan, khám phá Thủ đô. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích trước khi đến với toà thành cổ độc đáo này!


Xem thêm

188 lượt xem3 bình luận

3 Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Sony
Sony
Apr 15, 2023
Rated 5 out of 5 stars.

điểm tham quan lý thú

Like

Hay Nhat
Hay Nhat
Apr 15, 2023
Rated 5 out of 5 stars.

Thành Cổ Loa một địa điểm du lịch gần Hà Nội

Like

Hay Nhat
Hay Nhat
Apr 13, 2023
Rated 5 out of 5 stars.

Thành Cổ Loa gắn liền với truyền thuyết nỏ thần

Like
bottom of page