Ăn chay có giúp bạn phòng virus không? Lật tẩy 10 lời khuyên phi khoa học trong dịch Covid-19
Virus corona mới gây ra dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn thế giới. Tính đến 7/3/2020 đã có hơn 3.200 người tử vong vì Covid-19 và 95.000 người nhiễm tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Virus đã xuất hiện ở tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Nam Cực bị đóng băng thì tình hình dịch bệnh đang rất nóng trên toàn thế giới. Hiện tại, các loại thuốc điều trị và vắc-xin hứa hẹn nhất cho Covid-19 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Thế nhưng, đó lại là cơ hội cho những người tung tin đồn sai lệch. Một số người cho rằng ăn chay có thể giúp bạn phòng bệnh, do virus Covid-19 đã lây ra từ một khu chợ bán động vật ở Vũ Hán.
Vitamin C, tảo đỏ, tỏi và dầu dừa... có rất nhiều lời khuyên trên mạng xã hội rằng chúng có thể giúp bạn phòng ngừa và điều trị Covid-19. Nhưng hóa ra, không có gì là thật. Dưới đây là 10 tin đồn phản khoa học nhất mà bạn cần cảnh giác trong dịch Covid-19:
1. Điều quan trọng đầu tiên cần biết, đó là bạn không nên tự điều trị Covid-19 tại nhà bằng thuốc kháng sinh. Covid-19 là bệnh gây ra bởi virus, mà thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được virus.
Kháng sinh chỉ được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại bệnh viện, khi các bác sĩ phát hiện nhiễm trùng thứ cấp đang xảy ra trên cơ thể bệnh nhân. Trên thực tế, đa số các ca nhiễm Covid-19 chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, việc uống kháng sinh sẽ không đem lại một chút hiệu quả nào.
Hiện các nhà khoa học đang thử nghiệm một số loại thuốc chống virus để điều trị Covid-19, nhưng các thử nghiệm sớm nhất cũng phải tới tháng 4 mới cho kết quả.
2. Virus SARS-CoV-2 được cho là có nguồn gốc từ động vật. Nhưng không có bằng chứng cho thấy bạn nên ăn chay để phòng Covid-19.
Khi các nhà khoa học công bố thông tin rằng, virus corona có thể có nguồn gốc từ một chợ hải sản bán động vật sống ở Vũ Hán, Trung Quốc, PETA, một tổ chức đấu tranh cho quyền động vật đã viện vào đó để khuyến khích mọi người ăn chay, nói rằng việc ăn thịt có hại cho sức khỏe của con người.
"Từ những con virus chết người cho đến nạn cháy rừng cho khủng hoảng khí hậu, việc ăn thịt động vật có thể dẫn đến hậu quả tận thế", trang web của PETA viết.
Tuy nhiên, sự thật là ăn chay sẽ không thể giúp bạn phòng tránh Covid-19. Tiến sĩ Ashish K. Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard cho biết thực phẩm không phải là cơ chế lan truyền dịch bệnh này. Việc hâm nóng hoặc làm chín thức ăn sẽ tiêu diệt toàn bộ virus trong đó.
Covid-12 lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn từ đường hô hấp của người bệnh, khi bạn tiếp xúc với họ trong khoảng cách gần hoặc vô tình nhiễm phải giọt bắn trên các bề mặt đồ vật.
Vì vậy, đi đến một bữa tiệc buffet đông đúc sẽ không phải là một ý tưởng hay trong thời điểm này, bất kể là bạn ăn chay hay ăn thịt.
3. Virus không thể sống bên ngoài cơ thể người trong khoảng thời gian quá dài. Việc nhận hàng hoặc thư tín chuyển phát từ vùng dịch là an toàn.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, nhiều người đồn thổi rằng việc nhận hàng đóng gói từ quốc gia này có thể khiến mọi người vô tình nhiễm virus dính trên bề mặt phong bì hoặc hộp dựng. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng điều đó là không thể.
"Người tiêu dùng nhận các kiện hàng không có rủi ro nhiễm virus corona chủng mới" WHO tuyên bố. "Từ kinh nghiệm của chúng tôi với các chủng khác của virus corona, chúng tôi biết rằng loại virus này không thể tồn tại lâu trên một số đồ vật, ví dụ như thư từ hay kiện hàng".
Trong trường hợp bạn vẫn lo lắng rằng virus có thể còn tồn tại trên bề mặt kiện hàng của mình, hãy khử nhiễm cho nó bằng cách lau hoặc xịt nước khử khuẩn. Và rửa tay sau khi đã bóc hàng.
4. Covid-19 không phải cúm mùa. Nó nguy hiểm hơn và chưa có vắc-xin phòng bệnh
Mặc dù các triệu chứng của Covid-19 thường bắt đầu giống như bạn bị cúm. Bệnh nhân sẽ sốt và ho khan. 80% các bệnh nhân đều chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ và hồi phục tốt. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn được coi là nguy hiểm hơn cảm cúm thông thường..
Tỷ lệ tử vong của căn bệnh mới này là 3,4%. Trong so sánh, tỷ lệ tử vong do cúm mùa hàng năm gây ra chỉ khoảng 0,1%.
Covid-19 đặc biệt nguy hiểm đối với người già và những người có hệ miễn dịch yếu vì đã mắc sẵn các bệnh nền trước đó như tim mạch và tiểu đường. Nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho thấy những người bệnh tim mạch mắc Covid-19 có tỷ lệ tử vong lên tới 10,5%.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng thay đổi theo từng nhóm tuổi. Ở những bệnh nhân trên 80 tuổi con số là 14,8%, người từ 70-79 tuổi là 8,0%, con số giảm xuống ở nhóm 60-69 tuổi là 3,6%, 50-59 tuổi là 1,3%, 40-49 tuổi là 0,4 %, từ 10-39 tuổi là 0,2% nhưng hiện chưa có trường hợp bệnh nhi dưới 10 tuổi nào tử vong được báo cáo.
Mặc dù các công ty công nghệ sinh học đang tham gia vào một cuộc đua điều chế vắc-xin dành cho Covid-19, nhưng những ứng cử viên tiềm năng nhất có lẽ cũng phải mất 1 năm thử nghiệm mới xuất hiện trên thị trường.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết bạn không thể tiêm vắc-xin cúm mùa để phòng Covid-19, nhưng vắc-xin vẫn sẽ tốt cho bạn. Ít nhất thì bạn sẽ không mắc cúm và không phải lo lắng về các triệu chứng của mình.
5. Đừng uống thứ được gọi là "dung dịch khoáng sản kỳ diệu" MMS. Nó thực chất là thuốc tẩy pha loãng.
Một số nhóm và cộng đồng ủng hộ liệu pháp thay thế ở Mỹ đang bán một thứ dung dịch được họ gọi là "dung dịch khoáng sản kỳ diệu"- viết tắt là MMS, với tuyên bố nó sẽ phòng và chữa khỏi được bệnh viêm phổi do virus corona gây ra.
Trước đây, nhóm này cũng tuyên bố dung dịch của mình có thể chữa khỏi mọi thứ bệnh, kể cả tự kỷ hoặc HIV/AIDS. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết thứ dung dịch đó thực chất là natri clorit 28% pha trong nước cất.
Đó là một loại thuốc tẩy và khi uống vào có thể gây nguy hiểm cho cơ thể bạn, bao gồm nôn mửa, tiểu chảy, hạ huyết áp và suy gan cấp.
6. Tương tự, tảo không phải là một phương pháp điều trị Covid-19.
Gabriel Cousens, một nhà trị liệu nổi tiếng ở Mỹ đã nó với những người theo dõi mình trong một email rằng họ nên ăn tảo đỏ để phòng ngừa và điều trị virus corona mới.
Mặc dù có một số bằng chứng cho rằng tảo biển đỏ có thể làm bất hoạt một số chủng virus, chẳng hạn như virus herpes gây ra những vết rộp trên da. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy nó có tác dụng với virus corona mới.
"Vấn đề là có khoảng 4.000 loài tảo biển đỏ, chỉ một số trong số đó có thể chống lại một số bệnh do virus và không chống lại được những bệnh khác", Văn phòng Khoa học và Xã hội McGill viết trên một thông báo phản hồi về lời khuyên của Gabriel Cousens và gọi đó là một "nội dung nhảm nhí".
7. Và cả tỏi cũng như dầu mè cũng vậy, chúng không có tác dụng với virus corona.
Đúng là bên trong tỏi có chứa các hợp chất organosulfur có thể giúp giữ cho trái tim, bộ não và ruột của chúng ta hoạt động trơn tru, thậm chí có thể giúp ngăn ngừa hoặc chống lại ung thư .
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết tỏi "có thể có một số đặc tính kháng khuẩn", nhưng không có lý do nào để tin rằng nó có thể xua đuổi virus corona. Và dầu mè (uống hoặc bôi tại chỗ) cũng vậy, nó sẽ không giết chết hoặc đẩy lùi được virus.
8. Dầu dừa và vitamin C cũng nằm trong những khuyến cáo sai lầm khác.
Một quan chức y tế ở Philippines gần đây đã gợi ý rằng dầu dừa có thể được "xem xét" là một biện pháp để tiêu diệt virus corona mới. Nhưng sự thật là không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ giả thuyết ấy.
Có một số nghiên cứu trên chuột cho thấy dầu dừa có thể - chỉ là có thể - giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm trùng Staphylococcus (hay tụ cầu khuẩn). Nhưng virus corona không phải vi khuẩn, và nó càng không phải là tụ cầu khuẩn.
Trong khi đó trên Facebook, một trang cá nhân có gần 50.000 người theo dõi của Andew Saul – một người đàn ông tự mệnh danh mình là siêu nhân vitamin – đã lan truyền một thông tin cho rằng các bác sĩ ở Trung Quốc đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng cách truyền vitamin C liều cao vào tĩnh mạch họ.
Trên thực tế, đó không phải là sự thật đang xảy ra ở Trung Quốc. Cũng không hề có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vitamin C có tác dụng với Covid-19. Ngay cả với bệnh cảm cúm thông thường, uống vitamin C cũng không giúp bạn khỏi bệnh. Nó chỉ có tác dụng nhỉnh hơn giả dược một chút mà thôi.
9. Khẩu trang không thực sự giúp ích nhiều, trừ khi bạn đeo nó đúng cách và đúng thời điểm.
Khẩu trang dường như đang cháy hàng trên toàn thế giới, nhưng đó là vì hiệu ứng tâm lý hơn là mọi người nhận thức được tác dụng phòng ngừa thực sự của khẩu trang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không hề có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy khẩu trang y tế có thể giúp một người khỏe mạnh phòng bệnh cho bản thân trước virus corona mới. Đó là bởi khẩu trang y tế không thể lọc được virus.
WHO khuyến cáo chỉ có một số đối tượng cụ thể mới nên đeo khẩu trang. Thứ nhất là những người đang có các triệu chứng ho, sốt, khó thở. Những người này nên đeo khẩu trang để phòng ngừa cho những người khác xung quanh họ.
Đối tượng thứ hai là những người khỏe mạnh bình thường khi ở trong cùng một phòng với người nghi nhiễm hoặc đã nhiễm virus corona mới. Có thể hiểu đó là các bác sĩ, người nhà chăm sóc người có triệu chứng nghi nhiễm.
Khẩu trang trong trường hợp này dùng để che chắn đường hô hấp, giúp giảm nguy cơ các giọt bắt từ đường hô hấp của người bệnh chui được vào mũi và miệng của bạn. Ngoài ra, khi bạn ở trong nhà một mình hay giữ khoảng cách an toàn với những người khác ở nơi công cộng, đeo khẩu trang là không cần thiết.
Tiến sĩ Sherlita Amler, phó giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Y New York cho biết vấn đề với cơn sốt khẩu trang là mọi người đang hoảng loạn và không biết phải làm gì khác.
"Họ chỉ đang cố gắng làm bất cứ điều gì họ có thể làm để giúp bản thân không bị bệnh", cô nói.
10. Hãy thực hành tốt các biện pháp cách ly và vệ sinh tay
Trên thực tế, để phòng ngừa virus corona, tiến sĩ Amler cho biết mọi người nên thực hiện đúng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Nếu bạn bị bệnh, hoặc có một thành viên gia đình của bạn bị bệnh, hãy ở nhà, đừng [ra ngoài] để lây lan và phát tán những căn bệnh đó", cô nói. "Về cơ bản đó là những gì họ đã làm ở Trung Quốc, họ đã phong tỏa và cách ly tất cả mọi người".
Ngoài ra, hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước.
"Nếu tôi có thể dạy một điều cho công chúng để ngăn ngừa hầu hết các bệnh mà tôi phải đối phó, thì đó là rửa tay và dạy con bạn cách rửa tay", tiến sĩ Amler cho biết thêm.
"Dù bạn có tin hay không, hầu hết mọi người đều không biết mình nên rửa tay như thế nào. Và thực tế, tôi nghĩ rằng một số người còn cố gắng làm thế nào đó để rửa tay mà không bị ướt nữa".
sĩ Amler nói rằng quan trọng nhất là bạn phải xoa và chà được xà phòng lên khắp các khu vực của bàn tay, bao gồm các ngón tay, móng tay và kẽ tay. "Chuyển động ma sát của bàn tay là thứ giúp bạn tẩy mầm bệnh ra khỏi tay bạn", cô nói.
Các loại nước rửa tay khô rất hữu ích trong trường hợp bạn ở bên ngoài và không có xà phòng hoặc nước. Nhưng hãy nhớ rằng, không có gì tốt hơn chà tay 20 giây với xà phòng, sau đó rửa sạch lại với nước và lau khô bằng khăn giấy.
Phòng dịch Covid-19: Cách đọc thành phần nước rửa tay, tránh mua sản phẩm chứa một trong 28 chất cấm
20 nguyên tắc đơn giản ai cũng cần nắm rõ để cùng nhau đi qua mùa dịch Covid-19 - BS Trần Quốc Khánh
Không phải uống vitamin C, ăn các loại thực phẩm này mới là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch
Comments